Tìm kiếm tin tức
GIỚI THIỆU VỀ PHƯỜNG HƯƠNG AN
Ngày cập nhật 01/09/2016

GIỚI THIỆU VỀ PHƯỜNG HƯƠNG AN

Phường Hương An thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm có 7 tổ dân phố (Thanh Chữ, Cổ Bưu, Bồn Phổ, An Lưu, Bồn Trì, An Vân, An Hòa).

Trụ sở được xây dựng năm 2005, tọa lạc tại điểm trung tâm của phường (Tổ dân phố Bồn Phổ, phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), diện tích 5000 m2.

Điện thoại: 0234.3557330;

Mail công vụ: huongan.huongtra@thuathienhue.gov.vn.

Website: huongan.thuathienhue.gov.vn

Là một phường ven đô nằm ở phía Nam của thị xã Hương Trà có tọa độ địa lý 16026’40” vĩ Bắc và 10700’00”- 107032’30” kinh Đông cách thị xã Hương Trà 8 km, cách trung tâm thành phố Huế 6 km có ranh giới địa lý: Đông giáp phường An Hòa và Hương Long của thành phố Huế; Tây giáp phường Hương Chữ; Nam giáp phường Hương Hồ; Bắc giáp phường An Hòa của Thành phố Huế. Có chiều dài từ Bắc xuống Nam khoảng 6,5 km Tây sang Đông nơi rộng nhất khoảng 3 km, nơi hẹp nhất 0,4 km hình thể nhỏ hẹp về phía Bắc, vuông vức về phía Tây Nam, là xã nằm vùng ven Thành phố nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, giao lưu thương mại.

Tổng diện tích tự nhiên: 1101,36 ha; dân số: 1.510 hộ, 6.340 khẩu; có 01 chùa làng (An Lưu), 04 niệm phật đường (Bồn Trì, Cổ Bưu, An Hòa, Bồn Phổ) và 01 giáo xứ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là địa bàn ác liệt, quân và dân Hương An đã đóng góp công sức và lập nhiều chiến công xuất sắc. Được Đảng và Nhà nước phong tặng “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Toàn phường có 85 liệt sĩ, 30 thương binh-bệnh binh, 06 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 250 người có công cách mạng.

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 31/10/1981, xã Hương An được thành lập theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ, gồm 5 thôn thuộc xã Hương Chữ (Bồn Trì, Bồn Phổ, Cổ Bưu, An Lưu, Thanh Chữ) và 02 thôn thuộc xã Hương  Hồ (An Vân, An Hòa Thượng) sát nhập lại thành xã Hương An.

Xã Hương An là một xã ven đô nằm ở phía Nam của huyện Hương Trà có tọa độ địa lý 16026’40” vĩ bắc và 10700’00”- 107032’30” kinh đông cách thị xã Hương Trà 8 km, cách trung tâm thành phố Huế 6 km có ranh giới địa lý: Đông giáp phường An Hòa và Hương Long của thành phố Huế; Tây giáp xã Hương Chữ; Nam giáp xã Hương Hồ; Bắc giáp phường An Hòa của Thành phố Huế.

 Xã có chiều dài từ Bắc xuống Nam khoảng 6,5 km Tây sang Đông nơi rộng nhất khoảng 3 km, nơi hẹp nhất 0,4 km hình thể nhỏ hẹp về phía Bắc, vuông vức về phía Tây Nam, là xã nằm vùng ven Thành phố nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, giao lưu thương mại.

Xã Hương An thành lập với thực trạng một xã rất nghèo, đất không rộng, người không đông, cơ sở vật chất: “Không điện, không trường học, không chợ, không đường giao thông, không trạm y tế, không có trụ sở của chính quyền”

- Đời sống nhân dân 60% là đói, 30% là nghèo, 10% là đủ ăn.

- Diện tích đất tự nhiên: 1069 ha.

- Dân số ngày thành lập xã là 3.215 khẩu.

- Chi bộ xã: 18 đảng viên.

- Tổ chức sản xuất: Gồm 01 hợp tác xã nông nghiệp thống nhất và 01 đội sản xuất độc lập, thực trạng những năm mới thành lập vô cùng khó khăn.

1. Giai đoạn từ năm 1981-1990

Đây là giai đoạn 10 năm đầu mới thành lập, xã Hương An trực thuộc thành phố Huế theo chủ trương mở rộng thành phố, xã đã tập trung cao cho nhiệm vụ xây dựng và củng cố HTX tổ chức sản xuất để giải quyết việc nghèo đói toàn xã, thực hiện Chỉ thị 100, Nghị quyết 10 của Trung ương khoán sản phẩm trong nông nghiệp; thực hiện mô hình bỏ 01 vụ lúa Đông Xuân để trồng lạc, trồng thuốc lá, chăn nuôi trâu đàn và nhiều mô hình khác; cơ chế quản lý có thay đổi, nhiều mô hình sản xuất mới được ứng dụng đã tạo được chuyển biến bước đầu về sản xuất, vai trò của HTX mạnh lên có tổ chức sản xuất và kinh doanh, nhưng tiềm lực đầu tư của HTX, của hộ nông dân mới thoát ra khỏi bao cấp chưa đủ mạnh; trình độ thâm canh và ứng dụng tiến bộ trong sản xuất và chăn nuôi chưa tốt, sâu bệnh phá hoại nặng nề, Đông Xuân dịch sâu nặng, Hè Thu dịch sâu cuốn lá, do đó năng suất lúa chỉ đạt 25-30 tạ/ha/năm; năng suất lạc chỉ đạt 12-13 tạ/ha/năm.

Đời sống nhân dân có cải thiện một phần nhỏ nhưng còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chỉ mới xây dựng được một số cơ sở cấp 4 để hoạt động như: nhà kho HTX, văn phòng UBND xã cũ, 06 phòng học trường Tiểu học Hương An, cửa hàng mua bán, đổ đường cấp phối, đó là những cố gắng lớn của cán bộ và nhân dân xã Hương An trong điều kiện khó khăn của toàn xã hội.

2. Giai đoạn từ năm 1990-2000:

Năm 1990, thực hiện chủ trương của cấp trên, xã Hương An trở về trực thuộc huyện Hương Trà là quê hương cội nguồn của xã và tiếp tục nhiệm vụ củng cố Đảng, Chính quyền và khắc phục khó khăn để vươn lên.

Năm 1994, Đảng bộ xã Hương An được thành lập gồm 03 chi bộ và Đại hội lần thứ 1, Đảng bộ đã tăng cường công tác củng cố Đảng, mở ra chặn đường mới lãnh đạo Hương An phát triển đi lên.

Năm 1999, xã Hương An được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hệ thống chính trị được củng cố, sản xuất phát triển, đời sống được cải thiện; năm 1995 với sự nổ lực góp vốn của toàn dân đã nối điện lưới Quốc gia về xã làm thay đổi cuộc sống nông thôn. Cán bộ và nhân dân toàn xã bước vào giai đoạn phát triển mới.

3. Giai đoạn từ năm 2000-2011:

Đây là thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất của xã Hương An trong 3 thập kỷ qua trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, văn hóa, xã hội, AN-QP, hoạt động đoàn thể, xây dựng chỉnh đốn Đảng.

* Về kinh tế: Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng; dịch vụ ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp, kinh tế phát triển nhanh, thu nhập bình quân đầu người từng bước tăng lên, dự kiến năm 2011 ước đạt 12 triệu/người/năm.

- Nông nghiệp: Cây lúa năng suất 56 tạ/ha tăng gấp 3 lần so với năm 1981; cây lạc năng suất 28 tạ/ha gấp 2 lần năm 1981. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh, giống, phòng trừ dịch hại, năng suất sản lượng cây trồng tăng. Đặc biệt phát huy lợi thế đất màu địa bàn ven thành phố, Hương An đã xây dựng vùng rau xanh 35 ha chuyên trồng hành, rau có hiệu quả kinh tế cao, giá trị 01 ha canh tác đạt 200 triệu/năm gấp 4 lần trồng lúa.

- Về chăn nuôi: Phát triển mạnh chăn nuôi lợn theo phương thức bán công nghiệp trang trại, gia trại khá mạnh. Trên địa bàn xã có 10 trang trại và 35 gia trại chăn nuôi lợn hướng nạt, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng lên 45%

- Cơ giới hóa nông nghiệp: Khâu làm đất 100%, khâu thu hoạch 70%.

- Dịch vụ ngành nghề: Lao động đã chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động dịch vụ ngành nghề trong và ngoài Tỉnh. Lao động dịch vụ ngành nghề chiếm trên 60%, góp phần quan trọng nâng cao mức thu nhập bình quân của toàn xã.

- Trên địa bàn có 12 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ, thương mại, 02 doanh nghiệp đang đầu tư. Chợ trung tâm xã và các cụm trung tâm thôn phát triển nhiều về dịch vụ, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn xã khá nhanh, khu quy hoạch Thanh Chữ, Đồng Hạ đang từng bước trở thành khu dân cư đô thị.

- Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Xây dựng cơ sở hạ tầng là một yêu cầu khá cấp bách nhằm phục vụ đời sống của người dân và từng bước hiện đại hóa nông thôn. Nhiều năm qua, xã đã phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, sự giúp đỡ của lãnh đạo Huyện, Tỉnh, của Ban ngành cấp Huyện, Tỉnh, các Chương trình dự án để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng có hiệu quả thực sự đã làm thay đổi, xóa hiện trạng xã nghèo mới thành lập, vươn lên xã đang xây dựng và phát triển. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay, tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, với 85 công trình lớn-nhỏ được xây dựng, nổi bậc các công trình trọng điểm như sau:

+ Trụ sở cơ quan hành chính xã: Được quy hoạch đưa về vị trí Trung tâm, được đầu tư xây dựng đảm bảo các hoạt động hệ thống chính trị.

+ Công trình giao thông: 8 km đường trục xã, 22 km đường thôn, xóm được bê tông hóa, nhựa hóa 100%; cầu Cổ Bưu và 03 cầu dân dụng được xây dựng và nâng cấp; cấp phối nội đồng 12 km; 3,5 km đường Trung tâm xã được mở rộng mặt đường 6m và điện chiếu sáng đường Trung tâm xã.

+ Công trình thủy lợi: Hồ tự chảy Cửa Lăng, bê tông hóa kênh mương thủy lợi gần 12 km đạt 100% kế hoạch; xây dựng 06 trạm bơm điện đảm bảo tưới tiêu cho cây lúa và cây hoa màu.

+ Công trình phúc lợi: Trường Tiểu học Hương An, Trường THCS Hương An, Trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng 02 tầng; tường rào, cảnh quan  xanh-sạch-đẹp; hệ thống cấp nước sạch được lắp đặt phủ kín đạt 95% trên toàn xã.

+ Về xây dựng thiết chế văn hóa: Nhà cộng đồng thôn (7/7 thôn) đã được đầu tư xây dựng đảm bảo nơi sinh hoạt của nhân dân. Nâng cấp sân bóng đá và xây dựng mới 01 sân bóng đá Nauy rộng 4.200 m2 đảm bảo nhu cầu thể dục thể thao của người dân.

Thực hiện nhiệm vụ kiến thiết xây dựng xã nhà nhiều năm qua nhờ vào nguồn kinh phí từ ngân sách Tỉnh, Huyện, phần góp vốn của xã từ nguồn đấu quyền sử dụng đất và sự đầu tư của dự án WB, dự án ODA Phần Lan tài trợ. Đồng thời sự hưởng ứng tích cực của người dân mở đường giao thông, cất bốc mồ mã trong giải tỏa mặt bằng xây dựng kiến thiết nông thôn.

* Về văn hóa-xã hội:

- Giáo dục là lĩnh vực quan tâm tích cực của địa phương, từ trong khó khăn giáo dục của xã Hương An thật sự đứng dậy, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, phong trào dạy và học được phát triển mạnh mẽ. Năm 2005, trường tiểu học Hương An đạt chuẩn Quốc gia; năm 2006 trường THCS được thành lập, 5 năm phấn đấu đến năm 2011 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia. Trường mẫu giáo đã được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của xã và nguồn tài trợ, thực hiện bán trú 100%. Phong trào dạy và học toàn xã khá mạnh, công tác khuyến học được quan tâm, động viên cổ vũ kịp thời. Đặc biệt tỷ lệ con em thi đậu đại học ngày càng cao; năm 2000 là 06 em, năm 2011 là 35 em, thể hiện sự vươn lên của giáo dục toàn xã.

- Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển mạnh mẽ, toàn xã có 7/7 làng, 5/5 cơ quan đạt chuẩn văn hóa, gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt tỷ lệ 97,2%. Năm 2005, xã tổ chức lễ đăng ký xây dựng xã văn hóa đầu tiên của Huyện và Tỉnh. Ban vận động các làng văn hóa, ban chủ nhiệm các câu lạc bộ gia đình văn hóa duy trì hoạt động đều đặn. Quy ước các làng văn hóa lấy dư luận để cải thiện các hành vi được chấp hành khá tốt; phong trào văn nghệ-thể dục thể thao được phát triển, hội thi văn nghệ tiếng hát các làng văn hóa, hội đua thuyền truyền thống của xã, giải bóng đá thanh niên được duy trì theo quy ước. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa xã Hương An đang phát triển chiều sâu và phát huy hiệu quả, mái ấm gia phong được đề cao, tình làng nghĩa xóm ngày thêm thắc chặc và thật sự là động lực thúc đẩy Hương An phát triển đi lên.

- Công tác vệ sinh môi trường có nhiều tiến bộ, ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân được nâng lên. Toàn xã có hố xí hợp vệ sinh 86,5%, trong đó số hộ có nhà vệ sinh tự hoại là 60%; tỷ lệ gia đình sử dụng nước sạch là 95%; tỷ lệ hộ sử dụng điện là 100%; công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, hơn 10 năm nay chưa có dịch xảy ra trên địa bàn.

- Công tác chính sách, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo:

+ Dù qua từng giai đoạn khó khăn hoặc thuận lợi, công tác chính sách xã hội được chăm lo tốt.

+ Nghĩa trang liệt sỹ được đầu tư xây dựng trang nghiêm, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ quy tập về nghĩa trang liệt sỹ được thực hiện chu đáo.

- Toàn xã có 06 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (đã từ trần).

- Gia đình liệt sỹ: 92 gia đình.

- Người có công cách mạng: 279 người

- Thương binh: 28 người.

- Bệnh binh: 3 người.

- Nghĩa trang liệt sỹ có 202 mộ.

+ Phong trào đền ơn đáp nghĩa hàng năm được nhân dân hưởng ứng tích cực, quỹ tình nghĩa vận động hàng năm bình quân 20 triệu đồng góp phần chăm lo công tác tình nghĩa.

+ Toàn xã có 21 nhà liệt sỹ có thân nhân chủ yếu đã được hỗ trợ sửa chữa và xây dựng từ nguồn kinh phí Nhà nước và tổ chức, cá nhân ủng hộ.

+ Đời sống vật chất và tinh thần của gia đình chính sách toàn xã được ổn định và cải thiện tốt.

+ Công tác xóa đói giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả thông qua các dự án, khuyến nông và nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội nên sản xuất chăn nuôi được phát triển, giải quyết được việc làm; hộ đói không còn, hộ nghèo giảm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 còn 8% theo chuẩn mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

- Tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố đạt:   91%

- Phương tiện nghe nhìn:                     99,5%

- Phương tiện đi lại:                                      100%

- Phương tiện liên lạc:                         80%

- Số nhà tạm được hỗ trợ xây dựng:   49 nhà cơ bản đã giải quyết, không còn hộ ở nhà tạm.  

* Về lĩnh vực Quốc phòng-An ninh:

- Nhiều năm qua, Hương An được xác định là địa bàn trọng điểm của huyện Hương Trà về quốc phòng-an ninh. Đảng bộ xã thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo thực hiện tốt Nghị quyết 08 của Trung ương về chiến lượt bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; thực hiện Nghị quyết 09; Quyết định 138/QĐ-CP về Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, xây dựng cụm tuyến an toàn làm chủ-sẵn sàng chiến đấu.

- Tăng cường xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng công an xã; phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

+ An ninh chính trị được ổn định.

+ An ninh tôn giáo: Bà con chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong hoạt động tôn giáo.

+ An ninh nông thôn vững chắc: Chưa xảy ra khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, đông người.

+ An toàn trật tự xã hội: không có vụ việc phức tạp, trọng án.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng-an ninh.

* Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể:

Ngày thành lập xã, chi bộ Đảng có 18 đồng chí. Năm 1994 thành lập Đảng bộ xã gồm có 30 đồng chí. Đến năm 2010, qua 5 kỳ Đại hội Đảng bộ xã có 11 chi bộ, 120 đảng viên; Đảng bộ xã, Chi bộ đã thực hiện nhiệm vụ chính trị lãnh đạo xã nhà vượt khó khăn để phát triển đi lên.

30 năm lãnh đạo xã, tuy có giai đoạn khó khăn, nhưng Đảng bộ đã vượt qua bằng tính kiên định lập trường, bằng quyết tâm đổi mới chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức để đủ sức lãnh đạo địa phương. Đảng bộ xã đã gắng bó máu thịt với nhân dân; đề ra các chủ trương lớn bằng Nghị quyết của từng kỳ Đại hội; bằng Nghị quyết chuyên đề; Chương trình hành động từng năm, từng tháng để phát triển kinh tế-xã hội-QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị toàn xã.

+ Kinh tế xã nhà từng bước phát triển, chuyển dịch đúng hướng, đã vượt qua nghèo khó hướng tới giàu mạnh.

+ An ninh-quốc phòng ổn định.

+ Năng lực quản lý và vận hành Nhà nước tốt, vừa dân chủ, vừa kỷ cương và hiệu quả, cán bộ được đào tạo trẻ hóa đạt chuẩn.

+ Mặt trận, đoàn thể phát huy được chức năng, nhiệm vụ, vừa tập hợp, vừa vận động và tuyên truyền. Xây dựng hội viên, đoàn viên nồng cốt đoàn kết toàn dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đảng bộ xã Hương An 10 năm liền trong sạch vững mạnh, 5 năm liền trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

4. Giai đoạn từ năm 2012 đến nay:

Phường Hương An được chuyển từ xã thành phường theo Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 15/04/2011 của Chính phủ, gồm có 9 tổ dân phố (Tổ dân phố 1, Tổ dân phố 2, Tổ dân phố 3, Tổ dân phố 4, Tổ dân phố 5 (thôn Bồn Phổ), Tổ dân phố 6 (thôn An Lưu), Tổ dân phố 7 (thôn Bồn Trì), Tổ dân phố 8 (thôn An Vân), Tổ dân phố 9 (thôn An Hòa). Trong đó, Tổ dân phố 1 và 2 được tách ra từ thôn Thanh Chữ; Tổ dân phố 3 và 4 được tách ra từ thôn Cổ Bưu.

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Hương An đã đoàn kết thống nhất và hành động, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Có 19/20 chỉ tiêu đạt và vượt.

Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng hướng “dịch vụ - nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp”. Công tác xây dựng đô thị theo đề án Phường đạt chuẩn văn minh đô thị được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, chỉnh trang đô thị có bước chuyển biến, công tác quản lý quy hoạch, đô thị, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường có nhiều cố gắng, văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến, phát triển khá toàn diện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Công tác quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội luôn ổn định và giữ vững. Cụ thể:

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,3%, trong đó: ngành dịch vụ tăng 13,5%, nông lâm thủy sản tăng 7,3%, TTCN-Xây dựng tăng 15,4%. Tổng giá trị sản xuất đạt 102,7 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng “Dịch vụ - Nông nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp”. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế: Dịch vụ 52,5%, nông nghiệp 34,5%, tiểu thủ công nghiệp 13%. So với Nghị quyết đề ra, dịch vụ tăng 5,2%, nông nghiệp giảm 10,5%, TTCN tăng 6%. Tổng đầu tư toàn xã hội trong 5 năm là 125 tỷ đồng, tăng 60 tỷ đồng so với Nghị quyết. Tổng sản lượng lương thực có hạt 2442 tấn, tăng 12tấn so với Nghị quyết. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 44,6 tỷ đồng (bình quân  8,8  tỷ đồng/năm). Thu  nhập  bình  quân đầu người đạt 33,2 triệu đồng, tăng 23,8 triệu đồng so với năm 2010. Giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác 105 triệu đồng, tăng 51 triệu đồng so với năm 2010, tăng 35 triệu đồng so với Nghị quyết.

Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được nâng cao. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động. Thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đem lại những kết quả tích cực. Truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng được giữ vững và phát huy, uy tín của Đảng bộ ngày càng được nâng lên trong đời sống xã hội.

Do nguyên nhân khách quan, chỉ tiêu về hộ nghèo chưa đạt theo Nghị quyết đề ra. Một số chỉ tiêu đạt được nhưng chưa bền vững. Tiềm năng thế mạnh của địa phương trên một số lĩnh vực chưa được phát huy.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là cơ bản, đánh dấu sự trưởng thành trong lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho bước phát triển của địa phương trong những năm tiếp theo.

Cuối năm 2015, các tổ dân phố trên địa bàn phường được sáp nhập và đổi tên tổ dân phố theo Quyết định số 3146/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  về việc sáp nhập, thành lập tổ dân phố mới thuộc thị xã Hương Trà. Trong đó có phường Hương An gồm có 07 Tổ dân phố: Tổ dân phố Thanh Chữ (sáp nhập Tổ dân phố 1 và Tổ dân phố 2), Tổ dân phố Cổ Bưu (sáp nhập Tổ dân phố 3 và Tổ dân phố 4), Tổ dân phố Bồn Phổ (Tổ dân phố 5), Tổ dân phố An Lưu (Tổ dân phố 6), Tổ dân phố Bồn Trì (Tổ dân phố 7), Tổ dân phố An Vân (Tổ dân phố 8), Tổ dân phố An Hòa (Tổ dân phố 9).

 

Thái Bình
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 179.506
Truy cập hiện tại 193