Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
QUYỀN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG
Ngày cập nhật 28/09/2023

Ngày 20/6/2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với một số điểm mới cần lưu ý.

Theo đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm 07 Chương, 80 Điều quy định về nguyên tắc, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của cơ quan, tổ chức; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật này bổ sung thêm đối tượng áp dụng, cụ thể: bổ sung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Bổ sung thêm khái niệm về tiêu dùng bền vững như sau: Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế - xã hội.

Về quyền của người tiêu dùng, Luật này bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng như: Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương:

     - Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:

     + Người cao tuổi theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;

     + Người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;

     + Trẻ em theo quy định của pháp luật về trẻ em;

     + Người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

     + Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

     + Người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật;

     + Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

     - Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương được thực hiện như sau:

     + Người tiêu dùng dễ bị tổn thương được bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật này và các quyền, chính sách ưu tiên theo quy định khác của pháp luật có liên quan;

     + Tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động, tự chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định tại khoản 3 Điều này;

     + Khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương và về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan. Trường hợp từ chối giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý và sự không phù hợp với nội dung chính sách đã công bố theo quy định tại khoản 3 Điều này;

     + Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự cho người tiêu dùng dễ bị tổn thương trong trường hợp chậm, từ chối ưu tiên hoặc từ chối tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định tại điểm c khoản này;

     + Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội bảo đảm ưu tiên tiếp nhận, xử lý yêu cầu của người tiêu dùng dễ bị tổn thương và hướng dẫn người tiêu dùng dễ bị tổn thương cung cấp các chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm;

     + Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình tổ chức thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều này phù hợp với thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”

Luật bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó bao gồm hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.

Về quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật bổ sung trách nhiệm cụ thể của từng UBND cấp tỉnh, huyện và xã. Trong đó, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh được quy định như sau: 

- Tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tư vấn, hỗ trợ và nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền tại địa phương;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 

- Ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tiếp nhận, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng tại địa phương.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Chi tiết: Tải Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại đây./.

Hoàng Tường Vi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 183.409
Truy cập hiện tại 155