Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
KẾ HOẠCH Tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 20/02/2024

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030;

Căn cứ Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; Nghị định số 66/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

Căn cứ Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 54- NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030;

Căn cứ Công văn số 416/BNV-CQĐP ngày 23 tháng 01 năm 2024 của Bộ Nội vụ về việc góp ý dự thảo Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri;

Căn cứ Quyết định số 2823/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng Đề án Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Kế hoạch số 435/KH-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 26 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Công văn số 267/SNV-XDCQ ngày 29 tháng 01 năm 2024 của Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Kế hoạch số 966/KH-UBND của UBND thành phố Huế ngày 30/01/2024 về tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế;

UBND phường Hương An xây dựng Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế (viết tắt là Đề án), như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Tổ chức thực hiện tốt nội dung lấy ý kiến cử tri theo Nghị định số 66/2023/NĐ-CP ngày 24/8/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP và thông qua kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) phường về Đề án đảm bảo công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tổ chức thực hiện nội dung lấy ý kiến cử tri đối với các đơn vị hành chính (ĐVHC) đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật;

- Thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về sự cần thiết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đến mỗi cử tri. Từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương;

- Đảm bảo quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri, động viên, khuyến khích cử tri tham gia tích cực;

- Xác định đúng phạm vi, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, tổ chức lấy ý kiến cử tri phù hợp với đặc điểm dân cư, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.

II. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG

 Đảng ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ủy ban MTTQVN) và các đoàn thể phường có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức và nhân dân trên địa bàn hiểu rõ lý do và sự cần thiết phải thành lập Thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, thị xã thuộc thành phố, các phường thuộc quận, thị xã và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của quần chúng, nhân dân địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và những tác động tích cực của việc thực hiện chủ trương xây dựng Đề án nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm tổ chức có hiệu quả chủ trương trên.

Tăng cường công tác vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận trong xã hội, của các ngành, các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân ở địa phương trong việc thực hiện Đề án.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NỘI DUNG LẤY Ý KIẾN CỬ TRI

1. Đối tượng cử tri lấy ý kiến

Là công dân đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú tại địa phương, có từ đủ 18 tuổi trở lên, tính từ thời điểm từ ngày 24/01/2024 trở về trước.

2. Phạm vi, nội dung lấy ý kiến

Phạm vi, nội dung lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo Mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri (Mẫu số 4) .

2.1. Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế:

- Phạm vi lấy ý kiến của cử tri: Tại 7 tổ dân phố thuộc phường Hương An, thuộc thành phố Huế.

- Nội dung lấy ý kiến cử tri: Về phương án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế và tên gọi mới sau khi thành lập thành phố là Thành phố Huế.

2.2. Đề án chia thành phố Huế hiện hữu để thành lập thành 02 Quận phía Bắc và Quận phía Nam:

- Phạm vi lấy ý kiến của cử tri: Tại 7 tổ dân phố thuộc phường Hương An,  thuộc thành phố Huế.

- Nội dung lấy ý kiến cử tri: Về phương án chia thành phố Huế hiện hữu thành 02 quận: Quận Phú Xuân (quận phía Bắc) và Quận Thuận Hóa (quận phía Nam).

2.3. Đề án sắp xếp, thành lập các quận:

Thành lập Quận phía Bắc trên cơ sở chia tách, sắp xếp 14 ĐVHC cấp xã trong phạm vi ĐGHC thành phố Huế:

- Phạm vi lấy ý kiến cử tri tại: 7 tổ dân phố thuộc phường Hương An, Thành phố Huế

- Nội dung lấy ý kiến cử tri: Về phương án thành lập Quận phía Bắc thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở 14 ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Huế và tên gọi mới sau khi thành lập quận là Quận Phú Xuân.

3. Chuẩn bị và thành lập các Tổ lấy ý kiến cử tri

3.1. Chuẩn bị lấy ý kiến

- UBND phường thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Rà soát, chốt danh sách cử tri đến thời điểm phát phiếu lấy ý kiến (xong chậm nhất ngày 25/02/2024 trừ các trường hợp đột xuất phát sinh theo quy định).

+ Ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, thành lập tổ công tác chỉ đạo, Tổ lấy ý kiến cử tri, hướng dẫn các tổ dân phố triển khai lấy ý kiến cử tri (xong trước ngày 20/02/2024).

+ Tổ chức điền các thông tin vào Phiếu lấy ý kiến cử tri (xong trước ngày 25/02/2024).

+ Thành lập tổ lấy ý kiến cử tri trước ngày 21/02/2024

+ Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tập huấn cho thành viên của các tổ lấy ý kiến cử tri trước ngày 22/02/2024

3.2. Tổ lấy ý kiến cử tri

- Số lượng Tổ lấy ý kiến cử tri: Được thành lập theo địa bàn tổ dân phố, mỗi tổ dân phố có 01 Tổ lấy ý kiến cử tri.

- Số lượng thành viên: Tùy theo tình hình thực tế, số hộ gia đình trong tổ dân phố để quyết định số lượng, đồng thời đáp ứng yêu cầu về tiến độ lấy phiếu (định hướng số lượng từ 05-10 người).

- Định hướng cơ cấu, thành phần Tổ lấy ý kiến cử tri: Một Tổ có thể phân ra nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 2 đến 3 người, Tổ trưởng là Bí thư chi bộ - Trưởng Ban công tác Mặt trận hoặc tổ trưởng dân phố…; các Tổ viên đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và cử tri là công dân có uy tín ở tổ dân phố; Thư ký là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã hoặc người có trình độ tin học, có năng lực tổng hợp để hỗ trợ hiệu quả việc tổng hợp, báo cáo kết quả lấy ý kiến.

- Nhiệm vụ của Tổ lấy ý kiến cử tri: Nhận Phiếu lấy ý kiến cử tri ở UBND phường kèm theo danh sách cử tri; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên khi đến các hộ gia đình thực hiện nhiệm vụ phát phiếu, thu phiếu lấy ý kiến cử tri; thực hiện việc kiểm phiếu, tổng hợp, báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn về UBND phường.

IV. THỜI GIAN, HÌNH THỨC, TRÌNH TỰ LẤY Ý KIẾN CỬ TRI

1. Thời gian niêm yết và tổ chức lấy ý kiến cử tri

- Niêm yết danh sách cử tri từ ngày 25/01/2024 đến hết ngày 25/02/2024.

- Tổ chức việc lấy ý kiến cử tri về Đề án từ ngày 26/02/2024 đến hết ngày 02/3/2024.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trước ngày 07/3/2024.

2. Nguyên tắc, thẩm quyền lập và niêm yết danh sách phát phiếu lấy ý kiến cử tri; khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri

Thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ về hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 66/2023/NĐ-CP ngày 24/8/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ về hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC.

3. Tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến

- Bản tóm tắt Đề án thành lập Thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, thị xã thuộc thành phố, các phường thuộc quận, thị xã và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở ĐGHC tỉnh Thừa Thiên Huế (kèm theo Kế hoạch này).

- Tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của UBND phường, các nhà sinh hoạt cộng đồng và được tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, tại các cuộc họp tổ dân phố trong thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri.

4. Hình thức tổ chức lấy ý kiến cử tri

- Lấy ý kiến cử tri bằng hình thức phát phiếu theo hộ gia đình.

- Mọi cử tri có quyền và nghĩa vụ tham gia lấy ý kiến. Mỗi cử tri có quyền thể hiện ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến.

- Cử tri phải tự mình viết và ký vào Phiếu lấy ý kiến, không được nhờ người khác viết thay. Trường hợp cử tri không biết chữ, cử tri là người khuyết tật không tự đánh dấu và ký tên vào phiếu thì được nhờ người trong gia đình hoặc người thân viết hộ.

Lưu ý: Căn cứ Nghị định số 54/2018/NĐ-CP và Nghị định số 66/2023/NĐ-CP của Chính phủ, tùy vào điều kiện của mỗi địa phương, hình thức và việc tổ chức lấy ý kiến cử tri do UBND cấp xã quyết định; tuy nhiên phải đảm bảo công bằng, dân chủ và thuận lợi nhất cho người dân và chính quyền.

5. Trình tự lấy ý kiến cử tri:

a) Căn cứ Nghị định số 54/2018/NĐ-CP, tùy vào điều kiện của mỗi tổ dân phố, có hình thức thông báo về mục đích, yêu cầu về việc xây dựng Đề án; nội dung tóm tắt của Đề án và cách thức tổ chức, thực hiện, thời gian lấy ý kiến cử tri; Quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc lấy ý kiến để đảm bảo công bằng, dân chủ và thuận lợi nhất cho người dân và chính quyền.

b) Phát phiếu, thu phiếu - Lấy ý kiến cử tri về Đề án (Theo Mẫu số 4)

 6. Kiểm phiếu, tổng hợp, báo cáo kết quả của các Tổ lấy ý kiến cử tri:

Tổ dân phố tổng hợp, kiểm phiếu theo biên bản (Theo Biểu mẫu số 01 kèm theo Phụ lục của Kế hoạch này); hoàn thành chậm nhất trước ngày 03/3/2024.

7. Tổng hợp và báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trong toàn phường:

Sau khi kiểm tra và tổng hợp kết quả từ Biên bản kiểm phiếu do các  tổ dân phố chuyển đến, UBND các phường, xã tiến hành tổng hợp ý kiến cử tri toàn xã (Theo Biểu mẫu số 02 kèm theo Phụ lục Kế hoạch này).

Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của cử tri gửi HĐND phường, xã chậm nhất trước ngày 07/3/2024 (Theo Biểu mẫu số 03 kèm theo Phụ lục Kế hoạch này).

8. Tổng hợp và báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trong toàn thành phố

Sau khi kiểm tra và tổng hợp kết quả từ Biên bản kiểm phiếu do các xã chuyển đến, Phòng Nội vụ tiến hành tổng hợp ý kiến cử tri và tham mưu báo cáo của UBND thành phố trình HĐND thành phố (Theo Biểu mẫu số 04 kèm theo Phụ lục Kế hoạch này).

V. TỔ CHỨC KỲ HỌP HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN PHƯỜNG

1. Sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri, UBND phường, trình HĐND cùng cấp và hoàn thành việc thảo luận thông qua Đề án thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở ĐGHC tỉnh Thừa Thiên Huế và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; hoàn thành trước ngày 10/3/2024.

VI. HOÀN CHỈNH HỒ SƠ LẤY Ý KIẾN CỬ TRI VÀ HĐND PHƯỜNG

UBND các phường hoàn chỉnh hồ sơ lấy ý kiến cử tri và họp HĐND cùng cấp trình UBND thành phố (qua Phòng Nội vụ) trước ngày 10/3/2024, bao gồm các tài liệu sau đây:

1. Báo cáo của UBND các phường, xã.

2. Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri, kết quả biểu quyết của HĐND các phường, xã có liên quan đến Đề án.

3. Nghị quyết của HĐND phường.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể chính trị xã hội phường:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức và Nhân dân trên địa bàn hiểu rõ lý do, sự cần thiết phải thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở ĐGHC tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đó tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia trong Nhân dân.

2. Văn phòng UBND phường:

- Trong quá trình tổ chức Kế hoạch lấy ý kiến cử tri, kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND phường các đề xuất, vướng mắc để giải quyết; chuẩn bị hồ sơ phục vụ kỳ họp HĐND phường thông qua thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở ĐGHC tỉnh Thừa Thiên Huế và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

- Tổ chức đăng tải tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh (Bản tóm tắt Đề án và các văn bản chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước) trên Cổng thông tin điện tử của phường.

3. Kế toán – Ngân sách:

- Hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí và Quyết toán kinh phí cho việc thực hiện Đề án.

5. Công an phường

Nắm bắt thông tin của người dân, bố trí lực lượng đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình triển khai Kế hoạch này.

6. Văn hóa thông tin:

Đăng tin, bài tuyên truyền các nội dung liên quan tại Kế hoạch này để người dân hiểu rõ chủ trương, tham gia bỏ phiếu để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của cử tri.

Trên đây là Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. UBND phường Hương An yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng nội dung, mục đích, yêu cầu và tiến độ đề ra.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo UBND phường (qua Văn phòng UBND phường) để được hướng dẫn, giải quyết./.

châu Thị Diệu Hằng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 183.409
Truy cập hiện tại 92