Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
KỊCH BẢN Xử lý dịch viêm phổi cấp do SARS-CoV-2 khi địa bàn phường có ca bệnh dương tính với COVID-19.
Ngày cập nhật 18/08/2020

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID 19) trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp và khó lường. Trên thế giới số lượng người mắc bệnh và số ca tử vong vẫn gia tăng hàng ngày. Ở nước ta, dịch bệnh COVID 19 đã bùng phát trở lại ở một số tỉnh thành, trong đó có các tỉnh miền Trung như: thành phố Đà Nẵng, Quãng Nam, Quãng Ngãi và các TP lớn khác Hà Nội và TP HCM.

Để kịp thời đáp ứng với các tình huống của dịch, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID 19 phường xây dựng kịch bản khi địa bàn phường có trường hợp bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 (F0) như sau:

 

I. MỤC ĐÍCH

Khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ vùng, TDP có bệnh dịch, dập dịch triệt để, không để dịch lây lan sang các TDP khác.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Thời điểm xem xét thiết lập vùng cách ly y tế

Khi vùng, TDP dịch đã có sự lây lan trong cộng đồng và có nguy cơ lớn lây lan sang các khu vực, địa phương khác trong khi hầu hết các khu vực, địa phương khác chưa có ca bệnh hoặc chỉ có một số ít ca bệnh xâm nhập.

2. Cơ sở pháp lý

Thực hiện Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

3. Quy mô

Quy mô khoanh vùng cách ly tùy theo tình hình dịch thực tế tại địa phương có thể lựa chọn quy mô như sau:

  • Tổ dân phố, xóm.
  • Cơ quan, đơn vị.

4. Thời gian

Cách ly tối thiểu 28 ngày kể từ ngày thực hiện cách ly. Tùy theo diễn biến tình hình dịch và nguy cơ lây lan trong vùng cách ly mà thời gian cách ly có thể kéo dài hơn.

5. Quyết định thiết lập vùng cách ly

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường ra Quyết định thiết lập vùng cách ly trên cơ sở đề nghị của Trưởng Trạm Y tế trong đó nêu rõ địa điểm, thời gian, phạm vi vùng cách ly.

6. Các bước thực hiện cách ly

6.1. Công tác truyền thông trước khi thực hiện cách ly

Tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức đến từng hộ dân để quán triệt chủ trương, tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân tạo sự đồng thuận và ủng hộ việc thiết lập vùng cách ly y tế, cụ thể là:

         - Truyền thông về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc lập vùng cách ly y tế;

         - Truyền thông, vận động nhân dân về vai trò, trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của mỗi người và mỗi gia đình trong việc thực hiện cách ly chống dịch.

         - Phát động phong trào toàn thể nhân dân tham gia phòng chống dịch bệnh.

6.2. Thiết lập chốt, trạm kiểm soát ra/vào vùng cách ly

          Khảo sát địa lý, địa hình, địa vật toàn vùng cách ly.

          Vẽ sơ đồ toàn bộ đường chính, đường xóm, lối mở, ngõ, ngách ra/vào vùng cách ly.

            Lập sơ đồ chốt, trạm kiểm soát tại tất cả đường chính, đường xóm, lối mở, ngõ, ngách ra/vào vùng cách ly.

          Phân công và bố trí lực lượng tại các chốt/trạm kiểm soát.

            Thành phần chốt/trạm kiểm soát: nên bao gồm cán bộ công an, quân sự, cán bộ phường, cán bộ y tế, dân quân, các đoàn thể, tổ dân phố, trong đó chốt trưởng nên là cán bộ công an.

  • Nhiệm vụ của chốt/trạm kiểm soát:
  • Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tối đa người ra, người vào vùng cách ly. Người ra/vào vùng cách ly phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
  • Lập danh sách, đo thân nhiệt, quan sát tình trạng sức khỏe tất cả người được phép ra/vào vùng cách ly.
  • Yêu cầu tất cả những người được phép vào vùng cách ly phải đeo khẩu trang và khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn ; khi ra phải tháo bỏ khẩu trang đã sử dụng và thu gom vào nơi quy định tại chốt kiểm soát và khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Kiểm soát vật phẩm, động vật, thực phẩm và các hàng hóa khác có khả năng lây truyền dịch bệnh.

          + Kiểm soát, khử trùng toàn bộ phương tiện được phép ra/vào vùng cách ly.

6.3. Đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong vùng cách ly

            Chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho người dân trong vùng cách ly.

            Đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ trong vùng cách ly.

            Không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như vui chơi, giải trí, lễ hội, sự kiện ăn uống đông người … trong vùng cách ly.

            Học sinh trong vùng cách ly nghỉ học; học sinh, giáo viên, người lao động trong vùng cách ly học tập, làm việc bên ngoài vùng cách ly cũng phải được cho nghỉ và không đi ra ngoài vùng cách ly trong suốt thời gian cách ly.

6.4. Đảm bảo an sinh xã hội trong vùng cách ly

Chính quyền và các cơ quan chức năng đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về an sinh xã hội cho người dân trong vùng cách ly thông qua việc cung ứng, thiết lập các điểm bán hàng bình ổn giá trong khu vực cách ly thay cho việc họp chợ để cung cấp:

  • Nhu yếu phẩm.
  • Lương thực, thực phẩm.
  • Năng lượng, xăng dầu.
  • Thuốc chữa bệnh thiết yếu.
  • Đảm bảo cung cấp đủ điện, nước sạch sinh hoạt.
  • Đảm bảo việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt.
  • Cung ứng trang bị phòng bệnh cá nhân: khẩu trang, xà phòng, các chất sát khuẩn thông thường.
  • Đảm bảo vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng theo quy định.
  • Hỗ trợ sinh hoạt phí cho người dân trong vùng cách ly nếu địa phương có điều kiện.

            7. Thực hiện các hoạt động y tế trong vùng cách ly

7.1. Thiết lập hệ thống giám sát phát hiện chủ động bệnh dịch tại cộng đồng

            Lập danh sách toàn bộ các hộ gia đình và các thành viên gia đình trong vùng cách ly.

            Huy động nhân lực có thể là y tế TDP, tổ dân phố hoặc hội viên hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên tình nguyện trong phường chia làm các nhóm giám sát, ít nhất mỗi nhóm 2 người.

            Lập danh sách phân công các nhóm chịu trách nhiệm giám sát sức khỏe từng hộ gia đình. Mỗi nhóm phụ trách khoảng 10-20 hộ gia đình.

            Tổ chức tập huấn ngắn gọn về cách thức thực hiện giám sát tại hộ gia đình và giao nhiệm vụ cho tất cả các thành viên.

            Cung cấp các biểu mẫu giám sát, nhiệt kế, khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay cho các nhóm giám sát.

            Xây dựng bản tin ngắn phát trên loa truyền thanh hàng ngày “Thông báo cho người dân về hoạt động theo dõi sức khỏe hộ gia đình” để nhân dân biết và hợp tác.

            Cung cấp số điện thoại đường dây nóng báo dịch cho toàn thể nhân dân trong vùng cách ly biết để người dân chủ động thông báo khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi mắc bệnh.

            Hàng ngày, nhóm giám sát “rà từng ngõ, gõ từng nhà” thực hiện đo thân nhiệt, hỏi từng người tại hộ gia đình về tình hình sức khoẻ để phát hiện ngay những người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Ghi chép kết quả vào Bảng theo dõi sức khỏe cá nhân trong hộ gia đình hàng ngày.

            Phân công cán bộ Trạm y tế cùng y tế TDP cắm chốt tại Trạm y tế  phường để nắm bắt thông tin về dịch bệnh và đảm bảo việc khám chữa bệnh, cấp cứu các bệnh thông thường cho nhân dân. Tại trạm y tế bố trí 1 xe cứu thương chuyên để chở bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19 đến khu cách ly, trường hợp có những bệnh nhân cấp cứu do các bệnh khác thì nhờ xe TTYT lân cận hoặc gọi 115.

            Thông báo cho cộng đồng yêu cầu người nghi mắc bệnh truyền nhiễm nói chung và người nghi mắc COVID-19 nói riêng trong vùng cách ly chỉ đi khám bệnh ban đầu tại trạm y tế, không tự ý đi khám bệnh vượt tuyến ra bên ngoài phường.

            Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại hộ gia đình, nhóm giám sát cho bệnh nhân đeo khẩu trang và báo cáo ngay bằng điện thoại cho Trạm y tế.

            Rà soát, lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ.

            Trạm y tế báo cáo và phối hợp với Trung tâm Y tế đưa ngay bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh cũng như những người tiếp xúc gần đến cơ sở cách ly, điều trị và lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định.

            Hàng ngày nhóm giám sát hộ gia đình tổng hợp báo cáo cuối ngày gửi cho Trạm y tế. Trạm y tế tổng hợp báo cáo hàng ngày cho Trung tâm y tế.

7.2. Tổ chức cách ly y tế

Trong vùng cách ly cần thực hiện các biện pháp cách ly y tế đối với cá nhân nghiêm ngặt hơn so với các nơi khác, cụ thể như sau:

7.2.1. Ca bệnh xác định mắc COVID-19

Kết hợp với đội PUN lập thủ tục, xin ý kiến của lãnh đạo TTYT và chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Hương Trà hoặc Trung ương Huế cơ sở 2.

7.2.2. Nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh xác định

a/ Người sống trong cùng hộ gia đình với ca bệnh xác định

Đây là những người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh nên cần phải được cách ly và theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt tại khu cách ly của Trung tâm y tế trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Lấy mẫu bệnh phẩm người sống trong cùng hộ gia đình xét nghiệm SARS-CoV-2.

  •  Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý như ca bệnh xác định.
  •  Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục cách ly, theo dõi sức khoẻ hàng ngày (đo thân nhiệt, phát hiện các triệu chứng) tại khu cách ly của Trung tâm Y tế đủ 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Trong quá trình theo dõi nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, còn không thì làm lại xét nghiệm lần 2 trước lúc thối cách ly.

          b/ Người tiếp xúc gần khác (hàng xóm, bạn bè, cùng nhóm làm việc …):

Đây cũng là những người có nguy cơ cao bị lây bệnh nên cần phải được cách ly và theo dõi chặt chẽ tại khu cách ly của Trung tâm Y tế hoặc cơ sở cách ly tập trung trong 14 ngày có sự cam kết của người được cách ly với cơ sở cách ly. Khu vực cách ly của người tiếp xúc gần phải riêng biệt với khu điều trị bệnh nhân xác định. Lấy mẫu bệnh phẩm người tiếp xúc gần để xét nghiệm SARS-CoV-2.

  • Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý như ca bệnh xác định.
  • Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục cách ly, theo dõi sức khoẻ hàng ngày (đo thân nhiệt, phát hiện các triệu chứng) tại cơ sở y tế hoặc cơ sở cách ly tập trung đủ 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Trong quá trình theo dõi nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2.

7.2.3. Ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19

Cho bệnh nhân đeo khẩu trang và đưa đi cách ly ngay tại Trung tâm y tế.

a/ Nếu bệnh nhân nghi ngờ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 thì báo cáo Lãnh đạo Sở Y tế , TTYT và chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

          b/ Nếu bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 tiếp tục theo dõi cách ly tại Trung tâm y tế; ngày thứ 13 lấy mẫu xét nghiệm lần 2, nếu mẫu dương tính thí xử lý như ca dương tính, nếu kết quả âm tính thì ra quyết định thôi cách ly và về tiếp tục theo dõi tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày.

7.2.4. Nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ

Yêu cầu cách ly tại nhà, hướng dẫn cách tự phòng bệnh, tự theo dõi sức khoẻ trong khi chờ kết quả xét nghiệm của ca bệnh nghi ngờ và có sự cam kết của người cách ly với chính quyền địa phương.

  • Nếu ca bệnh nghi ngờ có kết quả xét nghiệm dương tính với CoVID-19:

 

áp dụng cách ly những người này như nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh xác định.

  • Nếu ca bệnh nghi ngờ có kết quả xét nghiệm âm tính: tiếp tục theo dõi sức khoẻ những người này như những người dân khác trong vùng ly.

7.2.5. Hoạt động xử lý môi trường, khử trùng khu vực ổ dịch

          a/ Đối với hộ gia đình bệnh nhân COVID-19

            Cán bộ y tế trực tiếp xử lý môi trường, khử trùng tại nhà bệnh nhân: lau nền nhà, tay nắm cửa, bàn ghế và bề mặt các đồ vật khác trong nhà bằng dung dịch khử trùng chứa 0,05% clo hoạt tính.

            TDP bố trí nhân công, cán bộ y tế hướng dẫn và giám sát phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,1% clo hoạt tính các khu vực khác như khu bếp, nhà vệ sinh, sân, xung quanh nhà …

            Tốt nhất nên đóng cổng/cửa nhà bệnh nhân không cho người ngoài ra vào nhà trong khi bệnh nhân và thành viên gia đình bệnh nhân đang được cách ly tại cơ sở y tế.

b/ Đối với hộ gia đình liền kề xung quanh:

            Các hộ liền kề xung quanh phải được khử trùng: lau nền nhà, tay nắm cửa, bàn ghế và bề mặt các đồ vật khác trong nhà bằng dung dịch khử trùng chứa 0,05% clo hoạt tính.

            Phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,1% clo hoạt tính các khu vực khác như khu bếp, nhà vệ sinh, sân, xung quanh nhà …

c/ Đối với hộ gia đình ca bệnh nghi ngờ: Xử lý như đối với ca bệnh xác định.

          d/ Đối với các khu vực khác:

            Trụ sở ủy ban phường, trường học, trạm y tế, chợ… Phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,1% clo hoạt tính.

            Tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, tiến hành phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,1% clo hoạt tính những nơi có nguy cơ ô nhiễm …

7.3. Tổ chức các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng, TDP cách ly

Trong thời gian cách ly, người dân trong vùng, TDP cách ly không ra khỏi vùng cách ly, do vậy ngành y tế phải bảo đảm công tác y tế thiết yếu, bao gồm: cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh thông thường, bệnh mạn tính, các dịch vụ y tế, tiêm chủng cho một số nhóm đối tượng đặc biệt, chăm sóc giảm nhẹ, v.v…Để bảo đảm cho công tác này, cần triển khai các hoạt động sau:

          a/ Thiết lập tại Trạm Y tế phường ở vùng cách ly một phòng khám bệnh đa khoa tạm thời trong đó phải phân làm 2 khu riêng biệt để tránh lây nhiễm, gồm: khu tiếp nhận, khám và cách ly tạm thời các bệnh nhân nghi mắc bệnh COVID-19 và khu tiếp nhận, khám, cấp cứu các bệnh nhân thông thường khác. Ngay tại cổng trạm y tế cần có 1 bàn hướng dẫn và phân loại bệnh nhân ngay từ đầu và có biển chỉ dẫn rõ ràng. Tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, khó thở đều phải được hướng dẫn sang khu tiếp nhận, khám và cách ly tạm thời các bệnh nhân nghi mắc bệnh COVID-19.

          b/ Xin BGĐ TTYT huy động nhân lực từ Trung tâm Y tế thị xã về trạm y tế để thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, sơ cấp cứu thường trực 24/24h.

          c/ Xin BGĐ TTYT huy động và bổ sung trang thiết bị, phương tiện cần thiết:   

  • Xe cứu thương: luôn có xe cứu thương thường trực tại trạm y tế.
  • Trang bị máy siêu âm, monitor theo dõi người bệnh, xét nghiệm nhanh đường máu; bổ sung các trang thiết bị, y dụng cụ cần thiết phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh; đảm bảo sử dụng riêng cho người bệnh nghi nhiễm và người bệnh không thuộc diện nghi nhiễm.

          d/ Bổ sung thuốc bảo đảm tối thiểu danh mục và số lượng thuốc đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh các bệnh thường gặp, bệnh mạn tính ngay tại TYT , sử dụng Danh mục thuốc bảo hiểm y tế theo Thông tư số 39. Trung tâm y tế chịu trách nhiệm cung ứng đủ thuốc cho Trạm y tế và mở cổng thanh toán bảo hiểm y tế ngay tại trạm y tế.

đ/ Tổ chức triển khai công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh vượt khả năng điều trị của Trạm y tế lên bệnh viện tuyến trên nhưng vẫn bảo đảm công tác cách ly y tế đối với người dân trong vùng được cách ly.

e) Bảo đảm một số dịch vụ y tế thiết yếu khác:

 Trạm Y tế phối hợp với khoa KSBT và VSTP của thị xã cung ứng dịch vụ tiêm chủng đối với một số dịch vụ tiêm chủng không thể trì hoãn như: tiêm phòng uốn ván cho bà mẹ mang thai, tiêm phòng bệnh dại. Tạm hoãn việc tiêm chủng thường xuyên trong tháng tại vùng cách ly cho đến khi hết thời gian cách ly để tránh ảnh hưởng của các phản ứng sau tiêm chủng tới công tác giám sát và phòng chống dịch tại vùng cách ly.

7.4. Bảo đảm công tác kiểm soát phòng chống lây nhiễm tại cơ sở điều trị và cộng đồng

Mục tiêu: Không để lây nhiễm cho nhân viên y tế và người tham gia chống dịch; không lây nhiễm sang người bệnh khác và không lây ra cộng đồng.

- Cung cấp đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế và người tham gia chống dịch tại cộng đồng.

- Rà soát, đánh giá lại toàn bộ các điều kiện cần thiết cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Trạm Y tế.

          - Lập danh mục các trang bị, phương tiện cần thiết cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, bổ sung ngay các phương tiện còn thiếu.

          - Tổ chức tập huấn chi tiết về kiểm soát nhiễm khuẩn cho người tham gia chống dịch, nhân viên y tế của Trạm Y tế.

7.5. Hoạt động truyền thông phòng chống dịch trong vùng, TDP cách ly

Truyền thông vận động nhân dân về vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân cần đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt trong việc đồng thuận thực hiện cách ly tại vùng dịch.

Cập nhật tình hình dịch bệnh tại địa phương, đảm bảo bám sát diễn biến của dịch bệnh, truyền thông cho người dân địa phương nắm bắt thông để ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

          Truyền thông về sự vào cuộc tích cực của các Cấp ủy đảng, Chính quyền, ngành Y tế trong việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để nhân dân yên tâm.

          Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn phường, cụ thể: Truyền thông rộng rãi các văn bản chỉ đạo; hướng dẫn việc phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh của ngành y tế; các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh đến từng thôn, tổ dân phố và từng người dân địa phương.

          Phổ biến kiến thức; phát tờ rơi, cung cấp tài liệu hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn các hộ gia đình về cách phòng, chống dịch bệnh.

          Phối hợp quản lý các tin đồn, thông tin thiếu chính xác về tình hình dịch bệnh tại địa phương, ngăn chặn kịp thời các thông tin sai lệch.

          Nêu gương một số cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cũng như cách ly tại địa phương.

III. KINH PHÍ

Nguồn ngân sách địa phương phải đảm bảo để chủ động phòng, chống dịch, đáp ứng các cấp độ dịch bệnh gây ra.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 phường

Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và các TDP trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên toàn phường, nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch này.

Đôn đốc kiểm tra, giám sát các cơ quan, ban ngành và các TDP thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đánh giá mức độ nghiêm trọng đề xuất cấp có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp theo từng tình huống.

2. Trạm Y tế

Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 phường. Bảo đảm dự trù đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cũng như điều trị.

Phối hợp với Công an phường và các cơ quan, ban ngành có liên quan có phương án quản lý, giám sát về sức khỏe đối với các trường hợp người trở về từ vùng dịch trên địa bàn phường.

Thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình dịch bệnh trên địa bàn phường báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh bệnh COVID-19 phường.

Hướng dẫn các TDP, đơn vị thực hiện nghiêm việc thống kê, báo cáo giám sát các trường hợp lây nhiễm, cách ly triệt để, theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với người nghi nhiễm. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện phun thuốc khử trùng tại các trường học, TYT, khu vực công cộng, khu dân cư, đặc biệt nơi có người bị nghi nhiễm COVID-19.

Phân luồng, phân tuyến điều trị người bệnh, thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn phòng chống lây nhiễm chéo tại TYT và thường trực, giám sát phòng, chống dịch.

Trạm Y tế phải đảm bảo các yêu cầu của công tác khám chữa bệnh theo đúng quy định; phối hợp với TDP tổ chức cách ly theo dõi các đối tượng đến từ vùng có dịch, thực hiện việc rà soát và đề xuất bổ sung các điều kiện theo từng tình huống.

Tham mưu thực hiện công bố dịch/tình trạng khẩn cấp theo quy định.

Tổ chức xử lý triệt để ổ dịch.

Thực hiện nghiêm túc việc thông tin báo cáo, khai báo dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

3.  Tài chính-Kế hoạch

Bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch theo từng tình huống (cấp độ) dịch và các chế độ chính sách theo quy định.

Bảo đảm chi phí liên quan đến việc cách ly theo dõi đối với các trường hợp mắc bệnh và các trường hợp sau khi đưa về tập trung cách ly.

4. Ban Chỉ huy quân sự phường

Phối hợp với Trạm Y tế thiết lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh bệnh COVID-19 sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh; thiết lập khu giám sát tập trung.

Có phương án cụ thể để triển khai hoạt động cho khu giám sát tập trung.

5. Công an phường

Chịu trách nhiệm lập danh sách tất cả các trường hợp đến từ nơi có dịch vào địa phương, nếu chưa đủ 14 ngày phải yêu cầu nghỉ việc; kiểm tra giám sát các đối tượng đến từ vùng có dịch tự cách ly tại nơi cư trú hoặc theo hướng dẫn của cơ quan y tế trên địa bàn.

Bố trí lực lượng công an bảo vệ khu vực cách ly tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Triển khai nhiệm vụ, nắm chắc các đối tượng thuộc diện cách ly, nhất là người đến từ vùng dịch; chỉ đạo phân công cho cảnh sát khu vực, phối hợp lực lượng bảo vệ dân phố các tổ dân phố  kiểm soát chặt chẽ việc cách ly tại cộng đồng của nhóm cá nhân thuộc đối tượng phải cách ly. Thực hiện tốt việc phòng dịch cho lực lượng cán bộ chiến sỹ trong cơ quan.

6. Hiệu trưởng các trường trong phường

Có phương án cho học sinh nghỉ học theo từng tình huống cụ thể để đáp ứng với tình hình dịch bệnh, hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Chỉ đạo, phối hợp với hội CMHS phường thực hiện tốt việc quản lý và tăng cường tự quản tự học của học sinh tại nhà, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các em. Phun thuốc khử trùng, tổng vệ sinh trường lớp; tập huấn cho giáo viên, học sinh cách phòng, chống, đo thân nhiệt; phát khẩu trang, nước rửa tay, cặp đo nhiệt độ (ưu tiên cho các vùng có dịch) để thực hiện phòng, chống dịch cho các em khi trở lại học tập.

7. Văn hóa thông tin

  Tăng thời lượng phát sóng  thực hiện việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trang tin điện tử của phường, tổ chức tuyên truyền lưu động phòng chống dịch bệnh, in ấn và treo các băng rôn khẩu hiệu tại trụ sở tại các cơ quan, đơn vị, trường học, nhà văn hóa, khu dấn cư.... Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền theo đúng quy định.

8. Các tổ dân phố:

Tổ chức triển khai kịch bản đáp ứng với các tình huống (cấp độ) của dịch bệnh COVID-19 tại địa phương.

Chỉ đạo  TDP với mặt trận và các  đoàn thể tổ dân phố, triển khai quyết liệt sẵn sàng ứng phó với các tình huống (cấp độ) của dịch bệnh và hạn chế thấp nhất nguy cơ lan sang các tổ dân phố khác do dịch bệnh tại địa phương.

Tổ trưởng TDP chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND phường về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn quản lý.

Các đoàn thể ở TDP được phân công  theo dõi sát việc tự cách ly và tình hình sức khỏe của những người cách ly tại địa phương.

Chỉ đạo thành lập tổ phòng, chống dịch bệnh ở  các tổ dân phố gồm (Bí thư chi bộ, TT. TDP, mặt trận và các đoàn thể) đi tuyên truyền tới từng nhà, dùng máy đo thân nhiệt và vận động đi khám, yêu cầu cách ly tại nhà.

      9. Các cơ quan, ban, ngành trong phường

Căn cứ chức năng nhiệm vụ và các tình huống (cấp độ) dịch bệnh xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh theo lĩnh vực của mình, tham mưu cho Ban chỉ đạo các hoạt động liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường

Chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành Y tế và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh.

Căn cứ nội dung kịch bản, UBND phường yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của phường và các TDP  nghiêm túc triển khai, thực hiện./.

 

Tập tin đính kèm:
châu Thị Diệu Hằng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 289.145
Truy cập hiện tại 145