Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
21 TÌNH HUỐNG GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CHỨNG THỰC
Ngày cập nhật 08/04/2020

 GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CHỨNG THỰC

 

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CHỨNG THỰC

                                                                                  

Thời hạn chứng thực

Hỏi: Chị Hằng đến Ủy ban nhân dân xã H yêu cầu chứng thực 10 bản sao từ hồ sơ gồm nhiều loại bản chính giấy tờ, văn bản. Thời gian chị Hằng đến Ủy ban nhân dân xã H là vào lúc 16 giờ. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã hẹn chị thêm 02 ngày nữa đến nhận. Theo chị Hằng được biết, đã có quy định chứng thực phải trả trong ngày làm việc hoặc trong ngày làm việc tiếp theo nếu nhận sau 15 giờ. Vậy thời gian hẹn của cán bộ xã H trong trường hợp trên có đúng không?

Trả lời:

Điều 7, Điều 21, 33 và Điều 37 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định về thời hạn chứng thực như sau:

1. Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ; trừ các trường hợp dưới dây.

2. Gia hạn thời gian chứng thực bản sao từ bản chính

Đối với trường hợp cùng một lúc yêu cầu chứng thực bản sao từ nhiều loại bản chính giấy tờ, văn bản; bản chính có nhiều trang; yêu cầu số lượng nhiều bản sao; nội dung giấy tờ, văn bản phức tạp khó kiểm tra, đối chiếu mà cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực không thể đáp ứng được thời hạn quy định nêu trên thì thời hạn chứng thực được kéo dài thêm không quá 02 (hai) ngày làm việc hoặc có thể dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.

3. Thời hạn chứng thực chữ ký người dịch

Thời hạn chứng thực chữ ký người dịch được thực hiện theo quy định nêu trên hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.

4. Thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch

Thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.

Căn cứ quy định trên, về nguyên tắc Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ. Tuy nhiên, có những trường hợp phức tạp, công việc nhiều thì pháp luật cho phép gia hạn thời gian và có thỏa thuận với người yêu cầu thực hiện. Trong trường hợp của chị Hằng, chị yêu cầu chứng thực 10 bản sao từ hồ sơ nhiều loại bản chính giấy tờ, văn bản. Vì là hồ sơ nên nội dung giấy tờ, văn bản có thể thuộc loại phức tạp, khó kiểm tra, đối chiếu. Trường hợp này pháp luật cho phép gia hạn thời gian chứng thực bản sao từ bản chính được kéo dài thêm không quá 02 (hai) ngày làm việc, hoặc có thể dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực. Như vậy, thời hạn hẹn trả kết quả chứng thực của cán bộ xã H trong trường hợp trên là đúng quy định pháp luật.

Phiếu hẹn phải ghi rõ thời gian (giờ, ngày) trả kết quả cho người yêu cầu chứng thực

Hỏi: Chị Hoài là công chức Tư pháp – Hộ tịch xã K, hỏi: Theo quy định của Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp, việc ghi phếu hẹn trả kết quả cho người yêu cầu chứng thực trong trường hợp tiếp nhận sau 15 giờ mà không thể giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày thì ghi thời gian hẹn trả như thế nào?

Trả lời:

 Điều 2 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020) quy định về giải quyết yêu cầu chứng thực như sau:

1. Đối với những việc chứng thực tiếp nhận sau 15 giờ mà cơ quan thực hiện chứng thực không thể giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày hoặc phải kéo dài thời hạn giải quyết theo quy định tại các điều 21, 33 và 37 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (sau đây gọi là Nghị định số 23/2015/NĐ-CP), thì người tiếp nhận hồ sơ phải có phiếu hẹn ghi rõ thời gian (giờ, ngày) trả kết quả cho người yêu cầu chứng thực.

2. Khi tiếp nhận, giải quyết yêu cầu chứng thực, người tiếp nhận hồ sơ và người thực hiện chứng thực không được đặt thêm thủ tục, không được gây phiền hà, yêu cầu nộp thêm giấy tờ trái quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư số 01/2020/TT-BTP.

 Như vậy, quy định trên được kế thừa hoàn toàn từ Thông tư số 20/2015/TT-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Theo đó, phiếu hẹn phải ghi rõ thời gian (giờ, ngày) trả kết quả cho người yêu cầu chứng thực nếu không thể giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày hoặc phải kéo dài thời hạn giải quyết theo quy định.

Các mẫu lời chứng chứng thực tại Thông tư số 01/2020/TT-BTP

Hỏi: Anh Hoàng công tác tại UBND xã P hỏi, theo quy định của Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp, gồm có những mẫu lời chứng chứng thực gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 3 của Thông tư  01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020) quy định mẫu lời chứng như sau:

Ban hành kèm theo Thông tư này mẫu lời chứng chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản, từ chối nhận di sản của từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản, từ chối nhận di sản, cụ thể:

I. Lời chứng chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông

1. Lời chứng chứng thực chữ ký của một người trong một giấy tờ, văn bản

2. Lời chứng chứng thực chữ ký của nhiều người trong một giấy tờ, văn bản

II. Lời chứng chứng thực trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản thừa kế hoặc từ chối nhận di sản thừa kế

1. Lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản)

2. Lời chứng chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng từ chối nhận di sản thừa kế)

III. Lời chứng chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông

1. Lời chứng chứng thực hợp đồng

2. Lời chứng chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản

3. Lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp một người khai nhận di sản)

4. Lời chứng chứng thực văn bản khai nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng khai nhận di sản)

5. Lời chứng chứng thực di chúc

6. Lời chứng chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (trong trường hợp một người từ chối nhận di sản)

7. Lời chứng chứng thực văn bản từ chối nhận di sản (trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng từ chối nhận di sản).

 Như vậy, Thông tư số 01/2020/TT-BTP đã hệ thống lại các mẫu lời chứng, phân chia thành 3 nhóm như trên để áp dụng.

Cách ghi số chứng thực bản sao từ bản chính

Hỏi: Anh Hùng đã đi chứng thực một số bản sao gồm nhiều loại giấy tờ (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, học bạ,…) trong tháng 3/2020 và vẫn sử dụng các giấy tờ được chứng thực đến tháng 5/2020. Anh nghe nói đã có quy định mới về vấn đề chứng thực. Vậy việc ghi số chứng thực trên các giấy tờ anh đã chứng thực có phù hợp với quy định mới không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 4 Thông tư số  01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định:

 Số chứng thực bản sao từ bản chính là số chứng thực được ghi theo từng loại giấy tờ được chứng thực; không lấy số chứng thực theo lượt người yêu cầu chứng thực.

Ví dụ: ông A yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính 03 (ba) loại giấy tờ: chứng minh nhân dân mang tên ông Nguyễn Văn A, chứng minh nhân dân mang tên bà Nguyễn Thị B và sổ hộ khẩu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn A. Khi lấy số chứng thực, bản sao chứng minh nhân dân mang tên ông Nguyễn Văn A được ghi một số, bản sao chứng minh nhân dân mang tên bà Nguyễn Thị B được ghi một số và bản sao sổ hộ khẩu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn A được ghi một số. Như vậy, cơ quan thực hiện chứng thực sẽ lấy 03 (ba) số chứng thực khác nhau cho 03 (ba) loại giấy tờ.

Điều 4 Thông tư số 20/2015/TT-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tư pháp quy định số chứng thực bản sao từ bản chính: Số chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 20 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP là số chứng thực theo từng loại giấy tờ được chứng thực, không lấy số chứng thực theo lượt người đến yêu cầu chứng thực. Ví dụ: ông A đến Ủy ban nhân dân xã H yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính 03 loại giấy tờ: 02 bản sao chứng minh nhân dân mang tên ông Nguyễn Văn A, 03 bản sao chứng minh nhân dân mang tên bà Nguyễn Thị B và 01 bản sao sổ hộ khẩu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn A. Khi lấy số, 02 bản sao chứng minh nhân dân mang tên ông Nguyễn Văn A được ghi 01 số; 03 bản sao chứng minh nhân dân mang tên bà Nguyễn Thị B được ghi 01 số; 01 bản sao sổ hộ khẩu của hộ ông Nguyễn Văn A được ghi 01 số.

Như vậy, quy định số chứng thực bản sao từ bản chính tại Thông tư số 01/2020/TT-BTP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020 và thay thế Thông tư số 20/2015/TT-BTP) được kế thừa hoàn toàn từ quy định hiện hành về vấn đề này (Điều 4 Thông tư số 20/2015/TT-BTP). Do đó, các giấy tờ đã chứng thực của anh Hùng vẫn phù hợp với quy định của Thông tư mới.

Cách ghi số chứng thực chữ ký và số chứng thực hợp đồng

Hỏi: Chị Minh công tác tại Ủy ban nhân dân xã G hỏi, Thông tư số 01/2020/TT-BTP có quy định về số chứng thực chữ ký và số chứng thực hợp đồng không?

Trả lời:

Khoản 2 và 3 Điều 4 Thông tư số  01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định:

1. Số chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký người dịch là số chứng thực được ghi theo từng loại giấy tờ, văn bản cần chứng thực chữ ký; không lấy số chứng thực theo lượt người yêu cầu chứng thực.

Ví dụ 1: Ông Trần Văn H yêu cầu chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân và giấy ủy quyền nhận lương hưu, thì phải ghi thành 02 (hai) số chứng thực khác nhau. 01 (một) số đối với chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân và 01 (một) số đối với chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền nhận lương hưu.

Ví dụ 2: Bà Lê Thị B yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch (theo mẫu chữ ký người dịch đã đăng ký với Phòng Tư pháp) đối với 03 (ba) loại giấy tờ: bản dịch hộ chiếu, bản dịch thư mời hội nghị và bản dịch hợp đồng. Mỗi loại bản dịch phải ghi 01 (một) số chứng thực. Trong trường hợp này, Phòng Tư pháp sẽ lấy 03 (ba) số chứng thực, không được ghi gộp 03 (ba) việc thành 01 (một) số chứng thực cho một người.

2. Số chứng thực hợp đồng được ghi theo từng việc; không lấy số theo lượt người yêu cầu hoặc theo số bản hợp đồng.

Ví dụ: ông Lê Văn H và bà Nguyễn Thị M yêu cầu chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chứng thực hợp đồng cho thuê cửa hàng. Trong trường hợp này phải lấy 01 (một) số chứng thực cho hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và 01 (một) số chứng thực cho hợp đồng thuê cửa hàng.

Như vậy, so với quy định tại Thông tư số 20/2015/TT-BTP, Thông tư số 01/2020/TT-BTP đã quy định rõ cách ghi số chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký người dịch, số chứng thực hợp đồng như trên.

 

Cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực có trách nhiệm tự chụp lại giấy tờ, văn bản đã chứng thực để lưu

Hỏi: Chị Minh công tác tại Ủy ban nhân dân xã S hỏi: Hiện nay, các máy phô tô tại cơ quan chị hoạt động không đảm bảo, thường xuyên bị hỏng hóc, việc phô tô văn bản, giấy tờ khó khăn, có lúc không thực hiện được. Vậy thời gian tới, khi thực hiện chứng thực chữ ký trên giấy tờ, nếu không thể phô tô bản chứng thực để lưu thì có thể đề nghị người yêu cầu chứng thực cung cấp bản chụp để lưu trữ không?

Trả lời:

Điều 5 Thông tư số  01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định lưu trữ giấy tờ, văn bản khi chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký người dịch như sau:

1. Sau khi chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản và chứng thực chữ ký người dịch, cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực có trách nhiệm lưu 01 (một) bản giấy tờ, văn bản đã chứng thực hoặc bản chụp giấy tờ, văn bản đó.

2. Cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực có trách nhiệm tự chụp lại giấy tờ, văn bản đã chứng thực để lưu.

Như vậy, theo quy định trên thì Cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực có trách nhiệm tự chụp lại giấy tờ, văn bản đã chứng thực để lưu, không có quyền yêu cầu người yêu cầu chứng thực cung cấp. Đây là điểm khác của thông tư số 01/2020/TT-BTP so với Thông tư số 20/2015/TT-BTP (khoản 2 Điều 5 của Thông tư số 20/2015/TT-BTP cho phép “Trường hợp cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực không có phương tiện để chụp thì văn bản lưu trữ do người yêu cầu chứng thực cung cấp”).

Các loại giấy tờ khi yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch trên bản dịch không phải hợp pháp hóa lãnh sự

Hỏi: Anh Phú dự định chứng thực bản sao một số giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp (hộ chiếu, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp) thì có phải hợp pháp hóa lãnh sự không?

Trả lời:

Điều 6 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định về yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với một số giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp

Các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho cá nhân như hộ chiếu, thẻ căn cước, thẻ thường trú, thẻ cư trú, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp, chứng chỉ thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sao từ bản chính. Trường hợp yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch trên bản dịch các giấy tờ này cũng không phải hợp pháp hóa lãnh sự.

Quy định trên kế thừa hoàn toàn từ Thông tư số 20/2015/TT-BTP.

Căn cứ vào các văn bản nêu trên, trường hợp anh Phú chứng thực bản sao một số giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp (hộ chiếu, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp) thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự.

Xử lý đối với trường hợp giấy tờ, văn bản đã được chứng thực không đúng quy định pháp luật

 Hỏi: Chị Sương hỏi, pháp luật có quy định xử lý như thế nào đối với trường hợp giấy tờ, văn bản đã được chứng thực không đúng quy định pháp luật không?

Trả lời:

Điều 7 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản đã được chứng thực không đúng quy định pháp luật như sau:

1. Các giấy tờ, văn bản được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không đúng quy định thì không có giá trị pháp lý.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng quy định đối với giấy tờ, văn bản do Phòng Tư pháp chứng thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng quy định đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực.

Sau khi ban hành quyết định hủy bỏ giấy tờ, văn bản chứng thực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản đã được chứng thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và các cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản chứng thực không đúng quy định đối với giấy tờ, văn bản do cơ quan mình chứng thực và đăng tải thông tin về giấy tờ, văn bản đã được chứng thực nhưng không có giá trị pháp lý lên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình.

4. Việc ban hành quyết định hủy bỏ giá trị pháp lý và đăng tải thông tin thực hiện ngay sau khi phát hiện giấy tờ, văn bản đó được chứng thực không đúng quy định pháp luật.

Như vậy, Thông tư số 01/2020/TT-BTP đã quy định về việc xử lý đối với trường hợp giấy tờ, văn bản đã được chứng thực không đúng quy định pháp luật. Trước đây, Nghị định 23/2015/NĐ-CP và Thông tư 20/2015/TT-BTP chỉ quy định về giá trị pháp lý của bản sao được chứng thực, không quy định việc thu hồi, hủy bỏ văn bản chứng thực không đúng pháp luật đã gây khó khăn cho các cơ quan khi phát hiện chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký không đúng thì thu hồi, hủy bỏ như thế nào.

Người tiếp nhận hồ sơ phải bảo đảm người yêu cầu chứng thực chữ ký minh mẫn

Hỏi: Vợ chồng anh Tú dự định tháng 5/2020 sẽ đến cơ quan chức năng để chứng thực chữ ký trên một số giấy tờ. Anh Tú hỏi: Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm bảo đảm người yêu cầu chứng thực chữ ký minh mẫn không?

Trả lời:

Điều 8 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định trách nhiệm khi tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông như sau:

Khi tiếp nhận hồ sơ chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, người tiếp nhận hồ sơ (công chức của Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực. Người tiếp nhận hồ sơ phải bảo đảm người yêu cầu chứng thực chữ ký minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có năng lực hành vi dân sự, tự nguyện giao kết hợp đồng, giao dịch.

Theo quy định trên, người tiếp nhận hồ sơ (công chức của Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã) phải bảo đảm người yêu cầu chứng thực chữ ký minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Đây là điểm mới của Thông tư số 01/2020/TT-BTP so với Thông tư số 20/2015/TT-BTP.

Hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực đúng quy địnhphát sinh tranh chấp thì người yêu cầu chứng thực chịu trách nhiệm

Hỏi: Chị Thanh đã hẹn với khách hàng sẽ chứng thực hợp đồng vào tháng 6/2020 tại Ủy ban nhân dân xã. Chị đề nghị cho biết, trường hợp phát sinh tranh chấp thì người yêu cầu chứng thực có chịu trách nhiệm không?

Trả lời:

Điều 9 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực như sau:

1. Khi yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính, người yêu cầu chứng thực phải xuất trình bản chính để đối chiếu và chịu trách nhiệm về tính xác thực của bản chính được sử dụng để chứng thực bản sao. Bản chính phải bảo đảm về nội dung và hình thức mà cơ quan nhà nước đã ban hành hoặc xác nhận.

2. Đối với hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực đúng quy định, trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại thì người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Theo quy định trên, nếu hợp đồng đã được chứng thực đúng quy định mà phát sinh tranh chấp thì người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Bản sao từ bản chính để chứng thực phải gồm đầy đủ số trang có thông tin của bản chính

Hỏi: Chị Na dự định chứng thực bản sao sổ hộ khẩu và hộ chiếu vào tháng cuối tháng 4/2020. Chị hỏi: Để chứng thực, chị có cần phô tô toàn bộ các trang của sổ hộ khẩu và hộ chiếu không?

Trả lời:

Điều 10 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định bản sao từ bản chính như sau:

Bản sao từ bản chính để chứng thực phải gồm đầy đủ số trang có thông tin của bản chính.

Ví dụ: chứng thực bản sao từ bản chính sổ hộ khẩu thì phải chụp đầy đủ trang bìa và các trang của sổ đã ghi thông tin về các thành viên có tên trong sổ; chứng thực hộ chiếu thì phải chụp cả trang bìa và toàn bộ các trang của hộ chiếu có ghi thông tin.

Theo quy định trên, chứng thực bản sao từ bản chính sổ hộ khẩu thì phải chụp đầy đủ trang bìa và các trang của sổ đã ghi thông tin về các thành viên có tên trong sổ; chứng thực hộ chiếu thì phải chụp cả trang bìa và toàn bộ các trang của hộ chiếu có ghi thông tin.

Bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao

Hỏi: Anh Phong đến Ủy ban nhân dân xã M để chứng thực bản sao giấy khai sinh. Tuy nhiên, cán bộ tiếp nhận đã từ chối chứng thực với lý do bản chính giấy khai sinh bị hư hỏng, không xác định được nội dung. Anh Phong hỏi: Việc từ chối của cán bộ xã M có đúng không?

Trả lời:

Điều 22 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao, gồm:

1. Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.

2. Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.

3. Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.

4. Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

5. Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

6. Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Căn cứ quy định trên,việc từ chố của cán bộ xã M là đúng quy định pháp luật.

Xử lý trường hợp phát hiện bản chính dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao bị tẩy xóa, thêm bớt, làm sai lệch nội dung

Hỏi: Chị Thủy công tác tại Ủy ban nhân dân xã H hỏi: Theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-BTP, trường hợp người yêu cầu chứng thực sử dụng bản chính bị tẩy xóa, thêm bớt, làm sai lệch nội dung, sử dụng giấy tờ giả hoặc bản sao có nội dung không đúng với bản chính chính thì người tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có lập biên bản vi phạm không?  

 Trả lời:

Điều 11 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định bản sao từ bản chính như sau:

Trách nhiệm của người thực hiện chứng thực, người tiếp nhận hồ sơ khi chứng thực bản sao từ bản chính như sau:

1. Người thực hiện chứng thực (đối với trường hợp người thực hiện chứng thực tiếp nhận hồ sơ), người tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản sao với bản chính và bảo đảm chỉ thực hiện chứng thực bản sao sau khi đã đối chiếu đúng với bản chính.

2. Nếu phát hiện bản chính thuộc một trong các trường hợp không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao (quy định tại Điều 22 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP) thì cơ quan thực hiện chứng thực từ chối tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp người yêu cầu chứng thực sử dụng bản chính bị tẩy xóa, thêm bớt, làm sai lệch nội dung, sử dụng giấy tờ giả hoặc bản sao có nội dung không đúng với bản chính thì người tiếp nhận, giải quyết hồ sơ lập biên bản vi phạm, giữ lại hồ sơ để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Theo quy định trên, Trường hợp người yêu cầu chứng thực sử dụng bản chính bị tẩy xóa, thêm bớt, làm sai lệch nội dung, sử dụng giấy tờ giả hoặc bản sao có nội dung không đúng với bản chính thì người tiếp nhận, giải quyết hồ sơ lập biên bản vi phạm, giữ lại hồ sơ để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài

Hỏi: Chị Hồng cho biết, trong tháng 6/2020, chị sẽ chứng thực chữ ký trên một số giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài. Vậy có cần bản dịch ra tiếng Việt không và bản dịch này có phải công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch không?

Trả lời:

Điều 12 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài như sau:

Khi chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, nếu người tiếp nhận hồ sơ, người thực hiện chứng thực không hiểu rõ nội dung của giấy tờ, văn bản thì đề nghị người yêu cầu chứng thực nộp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt của giấy tờ, văn bản. Bản dịch ra tiếng Việt không phải công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch, nhưng người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch.

Theo quy định trên, nếu người tiếp nhận hồ sơ, người thực hiện chứng thực không hiểu rõ nội dung của giấy tờ, văn bản thì người yêu cầu chứng thực nộp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt của giấy tờ, văn bản. Bản dịch ra tiếng Việt không phải công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch, nhưng người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch.

Cách thức chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản

Hỏi: Anh Hưng công tác tại Ủy ban nhân dân xã Q hỏi: Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định cách thức chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản như thế nào?

Trả lời:

Điều 13 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định cách thức chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản như sau:

1. Lời chứng phải ghi ngay phía dưới chữ ký được chứng thực hoặc trang liền sau của trang giấy tờ, văn bản có chữ ký được chứng thực. Trường hợp lời chứng được ghi tại tờ liền sau của trang có chữ ký thì phải đóng dấu giáp lai giữa giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký và trang ghi lời chứng.

2. Trường hợp giấy tờ, văn bản có nhiều người ký thì phải chứng thực chữ ký của tất cả những người đã ký trong giấy tờ, văn bản đó.

Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định cách cách thức chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản như trên.

Chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền

Hỏi: Ông Tân muốn ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp cho người cháu vào tháng 5/2020 vì có việc phải đi xa. Ông đề nghị cho biết, trường hợp này có được thực hiện chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền không?

Trả lời:

Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP như sau:

1. Việc ủy quyền theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được thực hiện dưới hình thức chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.

2. Phù hợp với quy định trên, việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

b) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;

c) Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;

d) Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

3. Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 nêu trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Căn cứ  quy định trên, trường hợp của ông Tân được chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.

Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân

Hỏi: Chị Yến cho biết, vừa qua chị có đi chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân để xin việc làm tại doanh nghiệp K. Khi kiểm tra giấy tờ, doanh nghiệp K yêu cầu phải có ghi nhận xét của Ủy ban nhân dân xã. Chị đề nghị cho biết, chứng thực lý lịch cá nhân có phê vào nội dung lý lịch không?

Trả lời:

Điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân.

 Các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đều hướng dẫn khi chứng thực lý lịch cá nhân là chứng thực chữ ký và không được phê vào nội dung lý lịch.  

Theo Điều 15 Thông tư số 01/2020/TT-BTP 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020), quy định rõ ràng như sau:   

1. Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân. Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

2. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

Như vậy, pháp luật đã quy định rõ về việc chứng thực tờ khai lý lịch cá nhân là chứng thực chữ ký, người chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định.

Chứng thực hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Hỏi: Anh Quyền dự định khoảng tháng 5/2020 sẽ chứng thực một hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc Ủy ban nhân dân phường G. Anh đề nghị cho biết, việc chứng thực hợp đồng, giao dịch trong trường hợp này được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 20 Thông tư số 01/2020/TT-BTP 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020) như sau:

1. Trường hợp người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thì các bên phải ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ.

Trường hợp người giao kết hợp đồng, giao dịch là đại diện của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực, thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng, giao dịch. Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu chữ ký trong hợp đồng, giao dịch với chữ ký mẫu. Nếu thấy chữ ký trong hợp đồng, giao dịch khác chữ ký mẫu, thì yêu cầu người đó ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ.

Người tiếp nhận hồ sơ phải chịu trách nhiệm về việc các bên đã ký trước mặt mình.

2. Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ, hồ sơ. Nếu thấy đủ điều kiện theo sau đây, thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch trước khi người có thẩm quyền thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch theo quy định:

- Hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực các bên tham gia hợp đồng, giao dịch tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.

- Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng; người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực, nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu thì yêu cầu người đó ký trước mặt.

Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch.

Như vậy, pháp luật đã quy định về việc chứng thực một hợp đồng, giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông như trên.

Trách nhiệm của cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch

Hỏi: Theo Thông tư số 01/2020/TT-BTP, cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch có trách nhiệm gì?

Trả lời:

Điều 21 Thông tư số 01/2020/TT-BTP 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020) quy định trách nhiệm của cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch như sau:

1. Cơ quan thực hiện chứng thực có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để người yêu cầu chứng thực nhận thức rõ trách nhiệm đối với nội dung của hợp đồng, giao dịch và hệ quả pháp lý của việc chứng thực hợp đồng, giao dịch.

2. Trường hợp cơ quan thực hiện chứng thực phát hiện tài sản là đối tượng của hợp đồng, giao dịch là tài sản bất hợp pháp hoặc đang có tranh chấp, đã hoặc đang là đối tượng của hợp đồng, giao dịch khác thì cơ quan thực hiện chứng thực lập biên bản vi phạm, giữ lại hồ sơ để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Như vậy, cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch có trách nhiệm như trên.

Trường hợp người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch không thông thạo tiếng Việt

Hỏi: Chị Khánh cho biết, tháng 6/2020, chị có người bạn sẽ thực hiện chứng thực giao dịch nhưng người này không rành tiếng Việt. Vậy có mời phiên dịch không và bạn chị sẽ tự mời phiên dịch được không?

Trả lời:

Điều 22 Thông tư số 01/2020/TT-BTP 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020) quy định như sau:

1. Trong trường hợp người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch không thông thạo tiếng Việt thì phải có người phiên dịch. Người phiên dịch phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật, thông thạo tiếng Việt và ngôn ngữ mà người yêu cầu chứng thực sử dụng. Người phiên dịch do người yêu cầu chứng thực mời hoặc do cơ quan thực hiện chứng thực chỉ định. Thù lao phiên dịch do người yêu cầu chứng thực trả.

2. Người làm chứng (trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch) do người yêu cầu chứng thực bố trí. Trường hợp người yêu cầu chứng thực không bố trí được thì đề nghị cơ quan thực hiện chứng thực chỉ định người làm chứng. Người làm chứng phải xuất trình giấy tờ tùy thân còn giá trị sử dụng để người thực hiện chứng thực kiểm tra; ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.

Theo quy định trên, nếu bạn chị Khánh không rành tiếng Việt thì phải có người phiên dịch và bạn chị có thể tự mình mời người phiên dịch.

Thủ tục chứng thực việc hủy bỏ hợp đồng

Hỏi: Anh Long hỏi: Anh có hợp đồng vừa được chứng thực. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, anh muốn hủy bỏ hợp đồng này và đã thỏa thuận với bên đối tác về việc này. Hiện nay anh đang bận đi công tác nên dự định vào cuối tháng 4 sẽ tiến hành. Anh đề nghị cho biết, thủ tục chứng thực việc hủy bỏ hợp đồng như thế nào?

Trả lời:

Điều 23 Thông tư số 01/2020/TT-BTP 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/4/2020) quy định như sau:

1. Khi yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu chứng thực phải xuất trình giấy tờ tùy thân còn giá trị sử dụng để người thực hiện chứng thực kiểm tra và nộp 01 (một) bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:

a) Hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực;

b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực.

2. Trong trường hợp nội dung sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch có liên quan đến tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người yêu cầu chứng thực phải nộp bản sao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định và xuất trình bản chính để đối chiếu; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.

3. Thủ tục chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 nêu trên và quy định dưới dây:

 

- Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, nếu hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực các bên tham gia hợp đồng, giao dịch tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.

- Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng; người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực, nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu thì yêu cầu người đó ký trước mặt.

Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch.

- Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng tương ứng với từng loại hợp đồng, giao dịch theo mẫu quy định; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực. Đối với hợp đồng, giao dịch có từ 02 (hai) trang trở lên, thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ ký của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng được ghi tại trang cuối của hợp đồng, giao dịch. Trường hợp hợp đồng, giao dịch có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

- Trường hợp phải phiên dịch thì người phiên dịch có trách nhiệm dịch đầy đủ, chính xác nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung lời chứng cho người yêu cầu chứng thực và ký vào từng trang hợp đồng với tư cách là người phiên dịch.

Trên đây là thủ tục chứng thực việc hủy bỏ hợp đồng, anh Long nghiên cứu để áp dụng.

 

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Hồ Thị Thu Thủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 291.315
Truy cập hiện tại 265